Ngành gỗ Việt Nam đạt vị thế quan trọng trên thị trường thế giới

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn có mức tăng trưởng lớn. Để có được thành công như vậy, nhiều doanh nghiệp gỗ đã đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và ứng dụng hiệu quả các kênh tiếp thị và bán hàng trực tuyến. Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng Tiếp nối thành công năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt gần 4 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5%, lâm sản ngoài gỗ đạt 243 triệu USD, tăng 38,4%. Ngành gỗ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông lâm sản. Cụ thể, dịch Covid-19 khiến người dân các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, … (những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam) dành nhiều thời gian hơn tại nhà và có nhu cầu mua sắm, sử dụng sản phẩm gia đình nhiều hơn. Hơn nữa, nhiều nhà mua hàng quốc tế có xu hướng mua hàng của Việt Nam. Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các nhà phân phối hàng đầu thế giới có xu hướng đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn cung an toàn. Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu đó và cần tận dụng tốt cơ hội này. Chủ động tận dụng cơ hội Trong bối cảnh giao thương hạn chế, kinh tế toàn cầu suy giảm, ngành gỗ Việt Nam vươn lên là kết quả của quá trình đổi mới và sáng tạo từ đầu tư sản xuất đến việc tìm kiếm khách hàng. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tập trung cải thiện năng suất lao động, sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện môi trường, qua đó giúp Việt Nam giữ vững vị trí quan trọng trong thị trường đồ gỗ thế giới.

Chứng chỉ